14/01/2014 05:16:00 PM
(Canhsatbien.vn) -
Hội nghị Tư lệnh lực lượng thực thi pháp luật trên biển các Quốc gia vùng Vịnh Thái Lan lần thứ 3 đã khai mạc sáng 14/1/2014 tại Tp. Đà Nẵng. Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam có bài phát biểu tại Hội nghị. Dưới đây là toàn văn bài phát biểu:
1. Đặc điểm, tình hình chung
Vịnh Thái Lan là một biển nửa kín với diện tích khoảng 300.000 km2, giới hạn bởi bờ biển của 4 nước Thái Lan (1.560 km), Việt Nam (230 km), Malaysia (150 km) và Campuchia (460 km). Vịnh thông ra biển Đông bằng một cửa duy nhất hợp bởi mũi Cà Mau và mũi Trenggranu cách nhau chừng 400km (215 hải lý). Vịnh khá dài (chừng 450 hải lý) nhưng có diện tích nhỏ, chiều rộng trung bình là 385 km. Ở đây còn có nhiều vùng biển chồng lấn, chưa được phân định giữa 4 quốc gia trên.
Hoạt động trên biển trong Vùng Vịnh Thái Lan tương đối nhộn nhịp với sự đa dạng của các loại hình như vận tải, khai thác hải sản, du lịch và các hoạt động khác. Bên cạnh đa số các hoạt động tuân theo quy định pháp luật, vẫn còn xảy ra những hành vi vi phạm pháp luật. Buôn lậu, gian lận thương mại vẫn thường xuyên diễn ra; các hành vi vi phạm các quy định về an ninh trật tự, hàng hải, lâm thủy sản vẫn bị phát hiện ngày càng nhiều. Trong đó nổi lên hiện tượng ngư dân của quốc gia này vi phạm vùng biển của quốc gia kia, đánh bắt hải sản và neo đậu trái phép... Cách áp dụng luật để xử lý hành vi này của mỗi quốc gia cũng khác nhau: bắt giữ, phạt tiền, tịch thu ngư cụ, thậm chí có vụ việc phạt tù, phá hủy tàu thuyền. Cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền có những thời điểm rộ lên. Nạn xuất nhập cảnh trái phép vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn. Tình hình vận chuyển ma túy bằng đường biển trong khu vực này đang có dấu hiệu ngày một phức tạp.
Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm - Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam trình bày tham luận tại Hội nghị. (Ảnh: Liên Nhi)
Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam có chức năng chức năng quản lý về an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật của Việt Nam và các điều ước quốc tế trên biển. Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện nhiệm vụ hợp tác quốc tế trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật Việt Nam những điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Hợp tác quốc tế xuất phát từ đặc điểm hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Cụ thể bao gồm các đặc điểm sau: Một là, chế độ vùng biển và thềm lục do lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam thực thi pháp luật có hoạt động quốc tế theo quy định của Công ước Luật biển 1982; Hai là, các loại tội phạm quốc tế hay tội phạm xuyên quốc gia có xu hướng phát triển mạnh ở hướng biển; Ba là, nhiều vùng biển đang còn tồn tại về pháp lý cần hợp tác để cùng nhau thực thi pháp luật trên đó; Bốn là, giải quyết các vấn đề quốc tế (nhất là liên quan đến biển) cần phải có sự hợp tác quốc tế. Sự hợp tác cũng cần toàn diện: trao đổi thông tin, kinh nghiệm, phối hợp xử lý tình hình, tập huấn... Những vấn đề an ninh chung rất khách quan và cần thiết phải có sự hợp tác chung.
Đối với Việt Nam, vùng biển Việt Nam thuộc vùng Vịnh Thái Lan. Hiện nay, tình hình an ninh trật tự, an toàn trong Vịnh có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là vấn đề an ninh phi truyền thống (mất an toàn hàng hải, ô nhiễm, buôn lậu, tàu cá vi phạm, cướp có vũ trang...). Vì vậy, đặt ra yêu cầu cao về tăng cường, tích cực phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên quan trong nước và nước ngoài để nâng cao năng lực nhằm hoàn thành tốt hơn các nhiệm vụ quản lý về an ninh, trật tự, an toàn trên vùng biển.
2. Thực trạng
Những năm gần đây, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã tăng cường và chủ động các hoạt động hợp tác quốc tế để giải quyết những vấn đề chung. Đây cũng là sự thể hiện lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng có trách nhiệm của quốc gia có trách nhiệm. Tuy nhiên, hiện nay trong lĩnh vực này còn có những trở ngại. Việc đàm phán, ký kết các thỏa thuận mới gặp nhiều khó khăn. Các hoạt động trao đổi thông tin chưa nhiều, việc thực hiện hợp tác trong đào tạo, huấn luyện kết quả còn thấp. Hầu hết các cuộc tiếp xúc, trao đổi, huấn luyện, hội nghị, hội thảo có sự tham dự của các nước trong khu vực Vịnh Thái Lan đều dưới sự tài trợ của các tổ chức quốc tế. Các hoạt động quốc tế song phương đang còn bỏ ngỏ.
Đối với hợp tác quốc tế trong đấu tranh, ngăn chặn buôn bán, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới chưa đạt được kết quả tích cự mặc dù, tình hình buôn bán, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới là một hoạt động thường xuyên diễn ra trên khu vực biên giới giữa Việt Nam với các nước láng giềng trong Vùng Vịnh. Về bản chất, đây là loại hành vi vi phạm mang tính quốc tế như qua biên giới, hàng hóa nhập lậu từ một quốc gia khác cho nên đòi hỏi phải hợp tác quốc tế chặt chẽ mới có thể phòng, chống, đấu tranh có hiệu quả hiện tượng này.
Đối với hợp tác quốc tế nhằm ngăn chặn hiện tượng xuất nhập cảnh trái phép, buôn người bằng đường biển cần phải tích cực xúc tiến mạnh mẽ hơn. Thực tế, tình hình xuất nhập cảnh trái phép, buôn người bằng đường biển vẫn còn diễn ra. Trong thời gian qua, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan thực thi pháp luật trong nước và nước ngoài tổ chức bắt giữ và xử lý một số vụ xuất cảnh trái phép. Theo nhận định của các chuyên gia, khu vực Vịnh Thái Lan đang còn tiềm ẩn hiện tượng xuất nhập cảnh trái phép, buôn bán người bất hợp pháp. Đây là hoạt động có tổ chức mang tính quốc tế cao, nên cần sự hợp tác quốc tế mới có thể giải quyết triệt để vấn đề.
Tương tự như vậy, tình hình phòng chống tội phạm ma túy trong khu vực biển Vịnh Thái Lan đang đặt ra một nhu cầu rất lớn về hợp tác quốc tế để tiến hành bắt giữ và xử lý hiệu quả. Thực tế, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã tiến hành phối hợp với các lực lượng khác điều tra khám phá nhiều chuyên án, vụ án; trong đó có các vụ án có yếu tố nước ngoài. Chúng tôi cho rằng hiện tượng buôn bán, vận chuyển ma túy qua đường biển sẽ ngày càng phát triển. Tình trạng này ở Vùng Vịnh Thái Lan cũng ngày một phức tạp. Tuy nhiên các hoạt động hợp tác quốc tế giữa lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam với các nước trong khu vực về vấn đề này đang còn để ngỏ, cần phải tiếp tục xúc tiến mạnh mẽ hơn.
Riêng hợp tác quốc tế chống cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền được thực hiện theo Hiệp định hợp tác khu vực về chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền tại châu Á năm 2006. Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam là một đầu mối phối hợp, liên lạc trong mạng lưới chia sẻ thông tin. Trong thời gian vừa qua, Cảnh sát biển Việt Nam đã tích cực, chủ động và thực hiện tốt trách nhiệm thành viên của Hiệp định. Tuy nhiên cũng nên nhận thức rằng: xét về phạm vi vùng biển, do trong Vịnh Thái Lan không có vùng biển công (high sea) nên không đề cập đến cướp biển mà chúng ta chỉ quan tâm đến cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền. Tình hình này ở Vùng Vịnh Thái Lan vẫn còn diễn ra tuy không phức tạp do sự nỗ lực của chúng ta.
Một vấn đề nổi lên trong thời gian qua là tình trạng tàu thuyền nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép trong vùng biển Việt Nam và ngược lại ngày càng phức tạp. Trong khi đó, những nỗ lực hợp tác quốc tế để giải quyết vấn đề này đang còn có nhiều điểm cần phải bàn. Theo thống kê, tình trạng tàu thuyền nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép trên vùng biển Việt Nam và ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển các nước khác vẫn thường xuyên xảy ra, đặc biệt là đối với tàu cá loại nhỏ. Chính phủ Việt Nam luôn khuyến cáo và đã có biện pháp tích cực để ngư dân Việt Nam tôn trọng chủ quyền hợp pháp của các quốc gia lân cận. Tuy nhiên, hiện tượng này hỏi chính các lực lượng chấp pháp trong Vùng Vịnh phối hợp thông tin xử lý ban đầu và tham mưu cho Chính phủ giải quyết đúng luật pháp và nhân đạo.
Hoạt động hợp tác quốc tế để thực thi pháp luật trên các vùng biển chồng lấn vẫn đang gặp những khó khăn nhất định. Đối với việc thực thi pháp luật trong Vịnh Thái Lan, Việt Nam là thành viên một số thỏa thuận, điều ước quốc tế như sau: Hiệp định năm 1982 về vùng nước lịch sử Việt Nam - Campuchia; Hiệp định năm 1997 giữa Việt Nam và Thái Lan về phân định ranh giới trên biển giữa hai nước trong Vịnh Thái Lan; Thỏa thuận năm 1992 giữa Malaysia và Việt Nam về việc thăm dò và khai thác dầu khí trong vùng thềm lục địa đã được xác định liên quan đến hai nước. Trên vùng nước lịch sử Việt Nam - Campuchia, Hiệp định đã quy định "Việc tuần tiễu, kiểm soát trong vùng nước lịch sử này do cả hai bên cùng tiến hành". Nhưng việc tổ chức thực hiện trên thực tế giữa lực lượng Cảnh sát biển hai nước chưa có cơ chế tiến hành. Trên vùng xác định giữa Việt Nam - Malaysia, Thỏa thuận giữa hai nước chưa bao gồm cả điều khoản về thực thi pháp luật chung nên có khó khăn trong triển khai thực hiện.
Các vấn đề xung đột pháp luật: Về xử lý tàu cá Việt Nam bị bắt giữ ở nước ngoài, hệ thống pháp luật của mỗi nước quy định khác nhau trong xử lý hành vi tàu cá nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép trên vùng biển quốc gia ven biển. Các hình thức xử lý bao gồm: phạt tiền, tịch thu tàu thuyền phương tiện, ngư cụ; trục xuất người vi phạm; truy tố... Cùng một loại hành vi vi phạm ngư dân có thể bị xử lý nặng hay nhẹ tùy theo pháp luật của từng nước. Nhiều trường hợp bị xử lý rất nặng gây hoang mang cho ngư dân và ít nhiều gây quan ngại cho quan hệ ngoại giao giữa các nước có liên quan.
Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: Liên Nhi)
3. Đề xuất phương án hợp tác
Về xây dựng cơ chế hợp tác: Cần có thỏa thuận chung giữa các lực lượng của các quốc gia Vùng Vịnh làm cơ sở pháp lý để hợp tác và phối hợp giải quyết những vấn đề chung ở Vùng Vịnh. Khuyến khích các cơ chế hợp tác song phương và hợp tác giải quyết những vấn đề chung ở những vùng biển giáp ranh, vùng biển chung.
Về nội dung hợp tác: cần toàn diện, có trách nhiệm trên tinh thần hiệu quả, phù hợp với điều kiện cụ thể (trao đổi thông báo tình hình; nâng cao năng lực lãnh đạo, trao đổi kinh nghiệm; hội thảo; phối hợp giải quyết vụ việc liên quan)
Cần tính đến khả năng tổ chức diễn tập thực thi pháp luật, tìm kiếm cứu nạn, hoặc đối phó thảm họa giữa lực lượng thực thi pháp luật trên biển các nước trong khu vực Vịnh Thái Lan.
Ngoài ra, cần quan tâm các vấn đề khác như xây dựng cơ chế dẫn độ người vi phạm, tội phạm (bàn giao người và phương tiện vi phạm cho lực lượng thực thi pháp luật bên kia).
Về mở rộng thành phần quan sát viên: ngoài 4 quốc gia của chúng ta có vùng biển ở Vùng Vịnh, đề nghị nghiên cứu các quốc gia quan sát viên: Indonesia, Singapore, Philippine; trước mắt là quốc gia nào? Cơ chế hoạt động ra sao? Chúng tôi đề nghị tại Hội nghị lần này, các đồng nghiệp cho ý kiến về vai trò quan sát viên của Indonesia và địa điểm tổ chức Hội nghị lần thứ 4 cấp Tư lệnh Lực lượng thực thi pháp luật các quốc gia Vùng Vịnh Thái Lan.
Cuối cùng, chúng tôi cam kết sẽ tôn trọng luật pháp quốc tế, chủ động và tích cực phối hợp với các đồng nghiệp giải quyết có hiệu quả các vấn đề an ninh chung đang diễn ra trong Vùng Vịnh với tinh thần của một quốc gia có trách nhiệm, vì sự hòa bình và ổn định của Vùng Vịnh Thái Lan.